Tưởng đồ bỏ đi, thực tế vỏ trấu có thể đem về cả tỷ USD cho ĐBSCL

Thị trường vỏ trấu có những biến động và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là dùng vỏ trấu để sản xuất silic vô định hình. Điều này mở rộng thị trường đầy tiềm năng cho vỏ trấu, mang lại lợi nhuận lớn cho người dân.

Một nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Học Thắng, Đào Thanh Khê, Nguyễn Văn Phúc (Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP.HCM), cho biết chỉ một phần nhỏ vỏ trấu được tái sử dụng là nhiên liệu tại các nhà máy xay xát và lò sấy, nung. Sự dư thừa một lượng trấu còn lại đã và đang làm ô nhiễm môi trường sản xuất.

Theo nhóm tác giả, vỏ trấu chiếm 20% khối lượng hạt lúa. Dựa vào tỉ lệ này, sản lượng vỏ trấu hàng năm của Việt Nam vào khoảng 9 triệu tấn. Tuy nhiên, do chỉ có khoảng 62% tổng số lúa hàng năm của Việt Nam được xay xát nên tổng sản lượng trấu thu được chỉ khoảng 5,6 triệu tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL chiếm khoảng dưới 3,5 triệu tấn.

Vỏ trấu có thể sử dụng với nhiều mục đích. Ảnh: internet

Từ lâu, trấu đã được sử dụng rộng rãi trong nhiên liệu sinh học ở Việt Nam, làm vật liệu đốt trong các lò sấy, lò nung, làm phân bón… Trong khi đó, những năm gần đây, giá trấu bán ra thị trường có xu hướng tăng liên tục. Giá trấu bình quân hiện khoảng 25 USD/tấn, tương đương 600.000 đồng/tấn. Có thời điểm, giá trấu lên đến 43 USD/tấn, tức khoảng 1 triệu đồng/tấn.

Ông Oleg Efiso – Tổng Giám đốc của RHT, một công ty hàng đầu của Nga trong việc sản xuất silic vô định hình, đánh giá giá trị của trấu cao hơn nhiều. Cụ thể, silica (diocide silic) sản xuất từ trấu là một loại nguyên liệu hoạt tính cho nhiều lĩnh vực sản xuất, mỗi lĩnh vực yêu cầu chất lượng silic khác nhau, giá cả của silic cũng khác nhau, dao động từ 500 – 15.000 USD/tấn.

“Như vậy, ngay cả với mức giá dưới 500 USD/tấn, 3,5 triệu tấn vỏ trấu sản xuất ra hàng năm ở ĐBSCL cũng có giá trị hơn 1 tỷ USD”, nhóm tác giả khẳng định.

Hay như một số cách tận dụng vỏ trấu khác như đóng bánh và vo viên, khí hóa, làm than sinh học, phụ gia cho xi măng và bê tông, phụ gia cho ngành sơn… cũng đem lại không ít lợi nhuận. 

Tại ĐBSCL, năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ghi nhận việc thực hiện các nhà máy nhiệt điện từ vỏ trấu, như nhà máy nhiệt điện trấu Đình Hải ở Trà Nóc (Cần Thơ) được thành lập năm 2006, sản xuất 20 tấn hơi/giờ, tương đương sản lượng điện 2MW. Ngoài ra còn có một số dự án nhiệt điện trấu dự kiến đầu tư ở ĐBSCL như tại An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang…

 ​​​​​​ĐBSCL mỗi năm tạo ra khoảng 3.5 triệu tấn vỏ trấu​. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà máy này đã gặp vấn đề cung cấp trấu ổn định cho hoạt động dài hạn, liên tục. Nhà máy tại Trà Nóc cũng đã ngừng hoạt động do thâm hụt tài chính. Còn theo ông Nguyễn Viết Hùng – Chủ tịch HĐQT BSB, một công ty đầu tư công nghệ tiên tiến về chế biến trấu, nhà máy điện trấu cần được xây dựng gần nhà máy xay xát. Trấu sau khi xát được vận chuyển đến nhà máy nhiệt điện và sản xuất silic.

Sau đó, năng lượng sẽ trở lại dưới dạng nhiệt, phục vụ 50-70% nhu cầu nhiệt cho việc sấy lúa. Silic sản xuất ra được bán cho các ngành công nghiệp khác. Mỗi ngày một nhà máy 1MW tiêu thụ 18 tấn vỏ trấu có thể sản xuất 2,7 tấn silic.

“Giả định vỏ trấu đầu vào là 25USD/tấn, trong khi đó, sản phẩm silic có giá 450USD/tấn, giá trị dự án ròng (NPV) là 377.092 USD và tỷ suất nội địa (IRR) là 24.89%”, ông Hùng phân tích.

Theo Dân Việt

 

< Trở lại